Phê bình văn học là bộ phận không tách rời của một nền văn học. Có văn học thì có phê bình như hai tấm gương soi vào nhau, nhưng phê bình như một ngành của văn học thì đến thời cận đại mới có. Ở thời cổ đại Hi Lạp thế kỉ IV TCN đã có từ “kritike” chỉ phê bình, “kritikos” dùng để chỉ nhà phê bình văn học[1], Trung Quốc cổ có thuật ngữ “bình”, “bình luận” hoặc“phê”, đến đời Thanh thì từ “phê bình” đã rất phổ biến, nhưng phê bình chưa tách khỏi sáng tác. Hoặc nhân vật đứng ra phê bình, hoặc lời bình kèm ở cuối mỗi truyện, hoặc có thêm lời tựa, bạt đảm trách việc phê bình. “Phê” chỉ lời ghi đánh giá ở lề trên, bên lề hay giữa các dòng của văn bản mà người ta gọi là mi phê, bàng phê… Cho đến ngày nay, tuy rằng ngành nghiên cứu văn học đã có ba bộ phận: lí luận văn học, phê bình văn học, lịch sử văn học, nhưng lí luận về phê bình như là một nhánh của khoa văn học vẫn chưa tồn tại. Nội dung của khái niệm phê bình, theo M. H. Abrams đó là sự chỉ chung các hoạt động bao gồm “định nghĩa, phân loại, phân tích, lí giải và đánh giá văn học”[2]. V. Aldrich trong Triết học nghệ thuật cho rằng công việc phê bình nghệ thuật gói gọn trong ba chữ: “miêu tả, giải thích và đánh giá”. Michel Dufrènne nhấn mạnh ba việc: “thuyết minh, giải thích, phán đoán”[3]. Theo đó có thể hiểu, phê bình là diễn ngôn tiếp nhận (hiểu), diễn giải (trình bày), đánh giá (phán đoán giá trị) văn học. Theo quan điểm của Hayden White, lịch sử phê bình văn học cũng là kể một câu chuyện về tiến trình phê bình[4].
Cuối thế kỉ XIX ở châu Âu trong giới nghệ thuật lưu hành quan điểm xem phê bình văn học là thứ kí sinh trùng ăn theo sáng tác, phụ họa sáng tác, là người buôn văn hóa không có tài năng sáng tác. Trên thực tế, kẻ phụ họa không hiếm và định kiến này vẫn còn trong một số nhà văn. Luận điểm này đã bị nhà phê bình văn học Canada Northrop Frye bác bỏ trong sách Giải phẫu phê bình (1957). Theo ông, nếu nghệ thuật mà muốn thoát khỏi phê bình thì kết cục rất đáng suy nghĩ. Bởi ai là người xác lập các nguyên lí giá trị của văn học, ai là người xác lập các kinh điển văn học qua các thời đại, nếu không phải là các nhà phê bình? Các tên tuổi lớn nhỏ trong lịch sử văn học xưa nay đều do các thế hệ nhà phê bình khác nhau xác lập. Muốn làm được thế, phê bình phải có tính độc lập. Từ ngày lý luận tiếp nhận xuất hiện, quan niệm coi nhẹ phê bình phải thay đổi. Phải có tiếp nhận thì tác phẩm văn học mới tồn tại. Phê bình là một hình thái tiếp nhận, do đó nó là hình thức tồn tại của tác phẩm văn học. Văn học không chỉ tồn tại trong văn bản, mà còn tồn tại trong tiếp nhận và phê bình, và hoạt động phê bình làm nên số phận thăng trầm của văn học trong lịch sử. Văn học không chỉ do tác giả sáng tạo. Đó là sáng tạo khởi nguyên, nguyên bản. Văn học còn do người đọc sáng tạo nữa. Với phê bình văn học được khám phá ngày càng sâu, càng mới, càng phong phú. Nói như nhà nghiên cứu văn học Nga M. M. Bakhtin, nếu W. Shakespeare sống lại, ông hẳn không nhận ra một W. Shakespeare vĩ đại như mọi người đều biết hôm nay[5].
Bạn đang xem: VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC | Trần Đình Sử
Câu hỏi phê bình văn học là gì, đã có rất nhiều cách trả lời khác nhau. Phê bình văn học là khoa học về văn học (A. Pushkin, V. Bielinski), là văn học (F. Shlegel, S. Beuve, B. Boursov), là lưỡng tính, lưỡng thê (Ju. Borev), là lí luận, toàn bộ nghiên cứu học thuật và thưởng thức văn học (N. Frye), là cái nằm ở khoảng giữa khoa học và đọc (R. Barthes), là chính luận, tức xét văn học về mặt lịch sử, xã hội,.…Các câu trả lời ấy đều cho thấy cái nhu cầu muốn có các kiểu phê bình và xem chúng như bất biến. Tuyệt đối hóa một cách nào trong các cách nói trên sẽ dẫn đến nhầm lẫn về nhận thức, xa rời thực tế. Phê bình đã tổng hợp các thuộc tính khác nhau vào mình làm nên tính tổng hợp. Theo quan niệm của V. Tiupa thì phê bình thuộc vào loại hoạt động giao tiếp, là diễn ngôn tinh thần của con người mà đặc trưng của nó là tạo nên sự kiện giao tiếp giữa nhà văn, nhà phê bình và công chúng rộng rãi[6]. Tuy nhiên nhìn trong tổng thể thì phê bình ngày càng đi về phía khoa học nhân văn, chứ không phải khoa học tự nhiên. Phê bình khoa học, lấy tác phẩm văn học làm đối tượng nghiên cứu, cho nên không thi thố vẻ đẹp với đối tượng của mình. Nói như nhà phê bình văn học Pháp J-Y. Tadié, một nhà côn trùng học nghiên cứu bướm, nhưng không vì quá yêu vẻ đẹp của bướm mà lấy màu sắc sặc sỡ của bướm vẽ lên áo mình! Chu Quang Tiềm cho rằng văn phê bình có vẻ đẹp riêng của nó, các cây bút lớn từ Platon, Aristote, Kant, Hegel không ai làm “văn chương” trong trước tác của mình cả. Có những người có ý thức làm văn, làm duyên trong phê bình, nhưng văn chương cũng chỉ là trang sức mà không làm thay đổi bản chất của phê bình, chưa trở thành được con vật lưỡng thê. Còn như xem phê bình văn học là văn học (như Boris Boursov và những người chạy theo) với nghĩa là phê bình cũng sáng tạo, cũng làm ra vẻ đẹp, cũng có giá trị vĩnh cữu, thì giữa văn học và phê bình là hai loại sáng tạo khác nhau, hai vẻ đẹp khác nhau không thể lẫn lộn. Sáng tác văn học cần biết hư cấu, còn phê bình văn học thì không được hư cấu. Bình thơ như Hoài Thanh có thể nói là đầy chất văn học, nhưng đó cũng chỉ là kiểu phê bình ấn tượng, nặng tính chủ quan, không thể từ đó mà khái quát lên tính chất chung của toàn bộ hoạt động phê bình. Còn như xem phê bình văn học chỉ là công cụ cho một hoạt động xã hội nào đấy, thì phê bình đã có khi bị tha hóa, tự đánh mất tính độc tự chủ của nó, và không ích lợi cho văn học.
Về phương pháp cũng vậy, phê bình không có phương pháp duy nhất. Phê bình văn học không bất biến. Ở Trung Quốc xưa Khổng Tử san định Kinh Thi chỉ đánh giá thuần túy về đạo đức nho giáo, đến đời Hán đánh giá thơ theo phú tỉ hứng, sang thời Ngụy Tấn thì thơ văn đánh giá theo giá trị thẩm mĩ, thanh luật. Ở thế kỉ XVII phương Tây phê bình văn học đắm chìm trong tình thần lí tính, công thức giáo điều, rồi sau thế kỉ XIX chuyển sang phê bình thực chứng, xã hội học các loại, sau nữa chuyển sang ấn tượng. Đầu thế kỉ XX phê bình mới Anh Mĩ và chủ nghĩa hình thức Nga làm sống lại phê bình thi pháp học, đi sâu vào giá trị của hình thức ngôn từ. Phê bình ngữ học kiểu Jakobson rất hình thức cũng giúp hiểu thêm về cấu trúc ngôn ngữ của thơ. Không thể nói phê bình của Hải Triều đúng hơn phê bình của Hoài Thanh, cũng không thể nói phê bình của Hoài Thanh kém hơn cuả Phan Ngọc. Các kiểu phê bình văn học khác nhau đáp ứng nhu cầu hiểu biết văn học khác nhau, khám phá các mặt khác nhau rất phong phú của văn học, bổ sung cho nhau.
Người ta thường chỉ quan tâm đến định nghĩa về phê bình mà ít khi lưu ý đến phê bình là một loại hình lịch sử. Mỗi thời đại ngự trị một hệ hình phê bình: phê bình tự phát, đa nguyên, phê bình phục vụ sự nghiệp chính trị, rồi phê bình trở về với bản thân phê bình. Trong sách này chúng tôi sẽ mô tả tiến trình đó.
Ở công trình này do nền văn học hiện đại mới nổi, chúng tôi hiểu phê bình theo nghĩa rộng nhất, bao gồm cả báo chí, lí luận, lịch sử văn học, hiểu phê bình văn học như một thiết chế văn hóa xã hội đã trở thành yếu tố quan trọng nhất của không gian công cộng của đất nước. Do tình hình văn học Việt Nam phê bình văn học là phạm vi diễn ngôn công cộng, có khi là duy nhất và là không gian của hoạt động chính trị.
Phê bình là công việc nhận định, diễn giải giá trị của văn học. Trong tính chất đa chức năng ấy thể hiện cuộc đấu tranh của các quyền lực xã hội của văn học. Có những thời như thời cổ xưa, quyền lực tư tưởng, đạo đức của phê bình thắng thế, phê bình trở thành tiếng nói thuần túy của đạo đức. Lại có thời chức năng quốc gia, chính trị thắng thế, phê bình là tiếng nói của chính trị. Lại có lúc quyền lực của thẩm mĩ, của sáng tạo nghệ thuật muốn vươn lên tự khẳng định mình, lúc ấy phê bình là tiếng nói của thi pháp học. Văn học là một nghệ thuật, nó cũng đòi hỏi có quyền được nhìn nhận và đánh giá như một sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, lịch sử của phê bình văn học về thực chất là lịch sử của cuộc đấu tranh của nội bộ hoạt động văn học và phê bình văn học trong tương quan với các yếu tố quyền lực xã hội khác. Quyền lực của diễn ngôn phê bình phụ thuộc vào tri thức và chân lí của thời đại, mà cũng phụ thuộc vào tài năng, nhân cách của nhà phê bình. Nhà phê bình văn học phải được tự do, tự chủ, vô tư, trung thực. Khi lượng tự do, tự chủ nội tại, tri thức và nhân cách nhà phê bình sa sút thì phê bình bị tha hóa.
Phê bình văn học không tách rời được lý luận văn học và lí luận nói chung. Thiếu lý luận văn học và lí luận thì phê bình không đi xa hơn sự cảm nhận trực tiếp, giản đơn. Văn học nghệ thuật là một loại hình sáng tạo rất độc đáo và phức tạp, có cấu trúc chặt chẽ, tinh vi, có vô vàn mối liên hệ với tài năng, văn hoá, xã hội, lịch sử, có ảnh hưởng của truyền thống và tác động của văn học nước ngoài. Thiếu lý luận thì sự cảm thụ văn học không đi ra ngoài phạm vi thích, không thích, khen hay hoặc chê dở, không thể đạt tới những phán đoán sâu sắc. Thiếu nghiên cứu thì người đọc không có được khái niệm rõ ràng về tác giả, văn bản, thời đại, hoàn cảnh, và do đó cũng thiếu căn cứ để hiểu biết và cảm thụ. Chính vì lẽ trên mà phê bình, lý luận, nghiên cứu thường không thể tách rời với nhau, chính vì thế mà ở phương Tây khái niệm “phê bình” bao gồm trong mình nó cả ba phương diện ấy.
Phê bình văn học như đã nói trên có một phạm vi rất rộng. Khái niệm literary criticism trong truyền thống Anh Mĩ bao gồm cả các công trình hàn lâm, mà không bao chứa phê bình báo chí. Khái niệm tiếng Đức Literaturkritik bao gồm cả phê bình hàn lâm và báo chí[7].
Nói một cách tổng quát, theo nhà phê bình Pháp Albert Thibaudet (1), phê bình văn học bao gồm ba bộ phận: Phê bình của người đọc, phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghệ sĩ. Phê bình của người đọc là phê bình của bất cứ ai đọc văn học; đã đọc là có phán đoán khen chê. Hình thức phổ biến nhất của phê bình người đọc là phê bình miệng. Khi chưa có báo chí, quán trà, mâm nhậu là nơi phát biểu ý kiến. Các xalông quí tộc thế kỷ XVII ỏ Pháp là nơi mà các bà mệnh phụ cầm cân nẩy mực phê bình. Báo chí phát triển tạo diễn đàn rộng rãi cho mọi thứ phê bình, nhưng trước hết là phê bình người đọc: đưa tin, điểm sách, phỏng vấn, giao lưu bàn tròn đều là hình thức phát triển của phê bình người đọc. Đây là hình thức phê bình nhanh, nhậy, sốt dẻo, sinh động, có khi nêu được những vấn đề hay, sắc sảo, nhưng thường chỉ nêu ý kiến chứ không phân tích, lý giải cụ thể; nếu có phân tích cũng không toàn diện về một vấn đề nào cụ thể, mặc dù nó có thể kể lể nhiều chi tiết. Với báo chí, phê bình người đọc trở thành một thế lực, một hình thức quyền lực trong đánh giá, gây dư luận. Báo chí cũng đưa các cuộc trao đổi đến các cuộc bút chiến, các vụ xì- căng- đan. Các cuộc bút chiến thường gây chú ý, nhưng ít khi giải quyết được vấn đề. Phê bình người đọc nói chung và phê bình của nhà báo, nhà truyền hình nói riêng ( theo cách gọi của nhà phê bình Pháp Jean- Yves Tadié (2)) gánh vác việc phê bình một khối lượng lớn tác phẩm đương đại. Các ký giả biết trong đó có nhiều tác phẩm sẽ tản bay như làn khói, cho nên họ phải viết nhanh, lựa chọn tác phẩm nhiều khi hú họa như đánh bạc, có khi chưa đọc hết tác phẩm đã phê bình rồi. Nhưng vai trò của báo chí rất lớn, nó nối liền người đọc với tác phẩm, buộc họ chạy theo và tạo nên đời sống văn học thực tế của một thời. Muốn hiểu đời sống văn học trong xã hộingười ta bắt buộc phải tìm đến với phê bình của nhà báo. Trong số này, có người có nghề, thành chuyên nghiệp, có một số người viết công phu phát hiện nhạy bén, và tự sưu tập tác phẩm của mình lại thành tập để xuất bản. Còn phần lớn phê bình của báo chí trôi qua như dòng báo hàng ngày.
Xem thêm : Trình độ ngoại ngữ là gì? Hướng dẫn điền trình độ ngoại ngữ trong sơ yếu lý lịch
Loại thứ hai là phê bình chuyên nghiệp, hay phê bình khoa học mà Thibaudet gọi là phê bình “kiểu giáo sư”. Không nên hiểu “chuyên nghiệp” là nghề kiếm sống! Loại này cũng thường không được yêu chuộng. Các nhà báo thì chê nó có nhiều thuật ngữ khó hiểu, người đọc bình thường thì chê nó khô khan, các nhà văn thì chê nó ít có văn vẻ. Nhưng loại phê bình này có một vai trò không thể thay thế. Một là nó làm cho toàn bộ văn học quá khứ có được tính đương đại, hai là do có sự am hiểu về tác giả, tác phẩm, thời đại và phương pháp phân tích thấu đáo cho nên loại phê bình này thường cung cấp một cách đánh giá chuẩn xác, có tính khoa học và toàn diện. Thứ ba, do có lý luận, do ảnh hưởng của các phương pháp khoa học khác nhau, mà loại phê bình này đã chấm dứt cái quan niệm phê bình không cần phương pháp hoặc chỉ có một phương pháp. Thứ tư, loại phê bình này tạo ra sự đối thoại văn hóa giữa thời đại hôm nay với các thời đại đã qua hoặc với các nền văn hóa khác. Trong điều kiện của lối sống toàn trị, phê bình văn học chuyên nghiệp thường được chia thành những người lớn tiếng vui lòng phục vụ những
“quy tắc” của sự sáng tạo, đơn đặt hàng và chỉ đạo từ trên cao, và những người ủng hộ chân thành những “mặt sáng” của hệ tư tưởng cầm quyền và phe đối lập bên trong, đồng thời bảo vệ tính độc lập và chân thành của ngôn từ phê bình văn học như những tính chất chung không thể thiếu của nó.
Loại thứ ba là phê bình nghệ sĩ hay phê bình bậc thầy, tức là phê bình của các cây bút lớn như Goethe, Balzac, Hugo, Baudelaire, Hemingway, H. James, B.Brecht, Lỗ Tấn, Nguyễn Tuân… Loại này thường nói về tác phẩm, tác giả mà họ tâm đắc, về thủ pháp nghệ thuật mà họ yêu mến, trí tuệ sắc sảo, lời lẽ hóm hỉnh, cô đúc. Bạn đọc yêu mến họ, phê bình của họ làm tăng thêm gia tài kinh nghiệm nghệ thuật của nhân loại. Loại phê bình này nhiều khi nặng về chi tiết, cảm tính và ít có hệ thống. Tất nhiên phải là nhà văn nhà thơ thật sự bậc thầy thì loại phê bình này mới có chỗ đứng. Nhiều người tuy là nhà văn nhà thơ, nhưng chỉ viết được kiểu phê bình báo chí mà thôi. Điều này cho thấy cách phân loại trên chỉ là phân loại các bộ phận của một nền phê bình, chứ không phân loại các nhà phê bình. Một nhà phê bình cụ thể có thể tham gia vào đủ các loại phê bình. Ví dụ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, họ vừa có tư cách phê bình của nhà báo, phê bình chuyên nghiệp, vừa có kiểu phê bình bậc thầy kiểu nghệ sĩ.
Với các loại phê bình đó, một điều tất yếu là phê bình văn học không thể tách rời khỏi các nhà phê bình văn học. Một nền phê bình sâu sắc phải có những nhà phê bình lỗi lạc. Và không thể hình dung được một nền phê bình văn học mà không biết đến các nhà phê bình. Cho nên phê bình các nhà phê bình cũng là một nội dung của phê bình văn học.
Trong một nền phê bình văn học phát triển, ba loại phê bình trên đều có vị trí không thể thay thế. Muốn nghiên cứu toàn diện thì phải sưu tập đầy đủ phê bình các loại theo từng năm, từng thời kỳ. Cũng làm như vậy đối với phê bình của các nhà văn lớn. Trước đây Thanh Lãng đã ra sức tổ chức sưu tầm phê bình trên báo chí và để lại nhiều công trình có giá trị mà nhiều người đi sau thừa hưởng. Tuy nhiên trong công trình tổng kết bước đầu này chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu toàn diện, nên tập trung chú ý nhiều hơn vào khu vực chuyên nghiệp, là loại phê bình thể hiện tập trung nhất cho trình độ học thức, ý thức tự giác về nghề nghiệp, quan niệm lý luận và phương pháp phê bình. Phần lớn các công trình nghiên cứu lịch sử phê bình như của R. Wellec (Lịch sử phê bình văn học cận đại) của J-Y.Tadié ( Phê bình văn học thế kỷ XX), của V. V. Prozorov (Nga, 2002)[8], của các học giả Trung Quốc Lưu Phong Kiệt (2005), Hứa Đạo Minh (2002), Ôn Nho Mẫn (1997)[9]…đều làm như vậy.
Một thời gian rất dài trong một số sách giáo khoa lý luận văn học Mácxit thường phân biệt phê bình văn học với lịch sử văn học ở chỗ, phê bình văn học hướng tới văn học đương đại còn lịch sử văn học hướng tới tác phẩm quá khứ. Thực ra cách xác định đặc điểm của phê bình không phải là dựa vào đối tượng, mà là tính chất của nó. Phê bình văn học là hoạt động nghiên cứu, phán đoán đối với một hiện tượng văn học, bao gồm tác phẩm, nhà văn, tiếp nhận và cả lý luận, phê bình, xuất phát từ một quan niệm lý luận nhất định, trên cơ sở cảm thụ, thưởng thức tác phẩm. Mục tiêu của phê bình văn học là phán đoán giá trị của một hiện tượng văn học, vạch ra ưu điểm và khuyết điểm của tác phẩm, chỉ ra chỗ giống và khác của nó so với các tác phẩm thời trước hay đồng thời; xác định vị trí của tác phẩm hay của nhà văn trong tiến trình hoặc trên một mặt cắt nhất định của lịch sử văn học; phát hiện và nhận định một tư trào đang hình thành, tiến triển hay suy thoái, phán đoán tính chất của nó; phân tích mặt tích cực hay tiêu cực của tư trào đó. Hiểu như vậy, các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều, Nguyễn Công Trứ, Hàn Mặc Tử, Tùng Thiện Vương, Cao Bá Quát đều là tác phẩm phê bình. Điều này giống như ở phương Tây các công trình nghiên cứu về Aristote, Milton, Shakespeare, Racine, Corneille đều thuộc phạm vi phê bình cả. Tuy hiểu như vậy nhưng phê bình văn học thời nào cũng giành ưu tiên cho sáng tác thời của mình và có tác động trực tiếp đến tiến trình văn học trước mắt. Phê bình trước hết phải có tính thực chứng, tức là phải dựa vào những căn cứ xác thực, không nhầm lẫn, để phán đoán. Những phán đoán dựa vào bằng chứng không xác thực, suy luận tùy tiện đều không có giá trị. Phê bình đòi hỏi phải có tư duy lô gích, cả hình thức lẫn biện chứng, nó phải vận dụng tư duy lô gích và khái niệm để vượt lên trực quan cảm tính mới phán đoán được sự vật. Ở đây đòi hỏi phải có quan niệm, có tri thức, biết phân tích và giải thích mới làm sáng tỏ vấn đề.
Phê bình văn học đòi hỏi một tư duy có tính thẩm mĩ. Nhà phê bình phải xem tác phẩm là một thế giới nghệ thuật có qui luật đặc thù, có sự sống riêng, được sáng tạo bằng trí tưởng tượng, xuất phát từ đó mà phán đoán, quyết không được cắt xén, cô lập, đối chiếu giản đơn với nguyên mẫu thực tế. C.Mác từng nói rằng “ đối với cái tai không phân biệt được âm luật thì tác phẩm âm nhạc hay nhất cũng trở thành vô nghĩa.”(3) . Nhà phê bình phải xem tác phẩm văn học là hiện tượng thẩm mĩ thì mới thực hiện được hoạt động phê bình. Nếu bỏ qua điều này thì phán đoán không nằm trong phạm vi phê bình văn học nữa, mà chuyển thành phán đoán mang các tính chất khác.
Vì những thuộc tính trên mà phê bình văn học là một hoạt động khoa học mà mục đích là khái quát, giám định, phát hiện các giá trị, tính chất và qui luật của đối tượng. Nhưng mặt khác phê bình văn học là một hoạt động có tính nghệ thuật, người làm phê bình cũng phải biết cảm thụ, tưởng tượng, đồng cảm; ngôn ngữ phê bình không chỉ có khái niệm lô gích và khoa học, mà còn có hình ảnh như là những phán đoán có tính thẩm mĩ. Nhà phê bình có thể sử dụng trực cảm, nhưng trực cảm trong văn học vẫn có tính phạm trù- phạm trù ấn tượng- chữ dùng của M. Gorki. Nắm bắt trúng phạm trù ấn tượng của nhà văn cũng là một cách tiếp cận qui luật văn học.
Phê bình văn học là một hoạt động khoa học cho nên tất yếu có vấn đề phương pháp. Không kể phương pháp “trực cảm”, phương pháp giải thích đã có từ xưa, trong các thế kỷ XIX – XX, do chịu ảnh hưởng của triết học, khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn như triết học thực chứng, xã hội học, chủ nghĩa Mác, phân tâm học, ngôn ngữ học, lý thuyết hệ thống, chủ nghĩa cấu trúc, lý thuyết kí hiệu, lý thuyết thông tin, hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh, lý thuyết tương đối mà phê bình văn học có rất nhiều phương pháp khác nhau hết sức phức tạp và đa dạng. Nhưng dù đa dạng như thế nào thì việc vận dụng mọi phương pháp khoa học vào lĩnh vực này đều có hạn, không thể nào đạt tới tuyệt đối như khoa học tự nhiên. Theo mô hình do M.H. Abrams xác lập, tác phẩm văn học nằm trong quan hệ với ba yếu tố: tác giả, thế giới, người đọc. Trong mỗi yếu tố ấy lại bao hàm các yếu tố nhỏ hơn. Dù vận dụng phương pháp nào thì người ta cũng chỉ nghiên cứu theo bốn phương diện sau: hoặc là, a – Nghiên cứu bản thân tác phẩm (văn bản, thể loại, ngôn ngữ); b – Nghiên cứu mối quan hệ tác phẩm với tác giả; c – Nghiên cứu quan hệ tác phẩm với thế giới (hiện thực, lịch sử, văn hóa, tư tưởng); d – Nghiên cứu tác phẩm trong quan hệ với người đọc và với các tác phẩm khác (sự tiếp nhận, tầm đón nhận, ảnh hưởng, đối thoại văn hóa). Bốn phương diện trên không bao giờ hoàn toàn gặp nhau và trùng khít nhau, do đó không thể có những kết luận hoàn toàn giống nhau trong nghiên cứu phê bình văn học, dù là cùng một đối tượng. Qui luật này mở ra một chân trời bao la cho phê bình văn học, không bao giờ đi đến tận cùng một hiện tượng văn học nào. Mọi phán đoán trong phê bình văn học bao giờ cũng có tính chân lý tương đối.
Cuối cùng, sự vận động, phát triển của lý luận phê bình văn học bao giờ cũng gắn bó mật thiết với tình hình phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước ở vào một thời kỳ nhất định. Sự đổi thay của xã hội, xu hướng của hình thái ý thức xã hội bao giờ cũng tác động sâu sắc tới khuynh hướng của lý luận, phê bình văn học. Vai trò ảnh hưởng của truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống tư tưởng, tâm lý, tôn giáo, văn học; đồng thời là ảnh hưởng của văn hóa và văn học nước ngoài và thực tiễn sáng tác văn học – đối tượng của phê bình, đều là những yếu tố không thể xem nhẹ. Một hoạt động lý luận phê bình thuần tuý học thuật, thoát ly môi trường, hoàn cảnh xã hội, chính trị là không thể dược, nhất là trong xã hội hiện tại. Vì vậy người ta chỉ có xem xét về phê bình, lý luận văn học trong tất cả các mối quan hệ đó.
[1] René Wellek, Phê bình văn học – khái niệm và thuật ngữ, trong sách Các khái niệm của phê bình, bản dịch của Nxb Học viện mĩ thuật, Bắc Kinh, 1999, tr. 20.
Xem thêm : Năm cách để nói “I Love You” bằng mật mã, toán học!
[2] M. H. Abrams, Từ điển thuật ngữ văn học, Đại học Bắc Kinh, 2018, tr. 135.
[3] Chuyển dẫn từ sách: Nhiều tác giả, Vương Triệu Bằng chủ biên, Truyền bá và tiếp nhận, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2006, tr.14.
[4] Heyden White, Văn bản lịch sử như là một hư cấu văn học, Bản dịch tiếng Trung trong sách: Trương Kinh Viện, Chủ nghĩa tân lịch sử và phê bình văn học, Nxb Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 1993, tr. 160-179.
[5] Bakhtin M. M. Mĩ học sáng tạo ngôn từ, Nxb Nghệ thuật, Moskva, 1979, tr. 331. Tiếng Nga.
[6] Tiupa Valeryi, Các chiến lược giao tiếp của diễn ngôn lí thuyết, Tạp chí Phê bình và kí hiệu học, số 10, năm 2006, tr. 40.Tiếng Nga.
[7] Dobrenko E, Tikhanov G. (chủ biên) 2011, Lịch sử phê bình văn học Nga – thời xô viết và hậu xô viết, Moskva, Tạp chí Bình luận văn học mới xuất bản, Phần Thay lời nói đầu.
(1) Xem Sinh lý học phê bình đăng trong tạp chí Phê bình mới, 1930. Xem Sáu bài phê bình văn học, bản dịch Trung văn, 1998.
(2)Jean-Yves Tadié,Phê bình văn học thế kỷ XX, Belfond,1987-Bản dịch Trung văn 1988, Bách hoa văn nghệ xuất bản.
[8] Nhiều tác giả, Lịch sử phê bình văn học Nga hiện đại, Nxb Cao đẳng, Moskva, 2002.
[9] Lưu Phong Kiệt, Sáu nhà phê bình văn học lớn của Trung Quốc hiện đại, Đại học Bắc Kinh, 2005; Tân biên lịch sử phê bình văn học hiên đại Trung Quốc, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, 2002; Ôn Nho Mẫn, Giáo trình lịch sử phêbình văn học Trung Quốc hiện đại, Bắc Kinh, 1997.
(3) K.Mác. Bản thảo Kinh tế học – Triết học, 1844.Xem: K. Marx và Engels Bàn về nghệ thuật, tập 1, Nxb Nhân dân văn học, 1960, Bắc Kinh, tiếng Trung, tr. 204.
Nguồn: https://tiengtrungnhuy.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục