“Bản chất của đề thi hay không nằm ở mức độ đánh đố hóc búa với tầng kiến thức cao siêu mà ở khả năng “giải mã” thông điệp toán học ẩn đằng sau một tình huống tưởng chừng rối rắm, ngẫu nhiên, không quy luật”, ông Kiều Huy Hoà, Trưởng Ban Tổ chức Kỳ thi Toán học Úc – AMC 2019 tại Việt Nam chia sẻ, “Tiếp xúc với dạng đề Toán đó sẽ khiến học sinh bất ngờ và thêm yêu và hiểu về Toán”.

Ông Kiều Huy Hoà, Trưởng Ban Tổ chức Kỳ thi Toán học Úc – AMC 2019 tại Việt Nam
Bạn đang xem: Học Toán để rèn tư duy giải quyết vấn đề
Vì sao cần giáo dục năng lực giải quyết vấn đề?
Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein từng nhấn mạnh: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Trong khi kiến thức có giới hạn, khả năng tưởng tượng lại bao trùm thế giới, mở đường cho phát triển, nảy sinh phát kiến”.
Nền giáo dục trong nước đã có nhiều thay đổi về phương pháp giáo dục nhưng việc học vẫn còn chú trọng khá nhiều đến rèn luyện kĩ năng vật lý (tính toán, thuộc lòng), tập làm theo cái có sẵn. Chúng ta đồng ý rằng trẻ nhỏ cần bắt chước người lớn để trưởng thành và thích nghi nhưng nếu chỉ rập khuôn sẽ lãng phí sức sáng tạo vô tận ở trẻ nhỏ. Thậm chí việc áp đặt trẻ “giải quyết vấn đề” theo mẫu, từ cách trình bày đến suy luận còn có thể dẫn đến tình trạng không hiểu bản chất, ứng dụng sai kiến thức được học trong đời sống thực tế.
Khi xã hội càng năng động, việc học không dừng lại ở việc ghi nhớ, tiếp thu kiến thức thụ động mà đòi hỏi kỹ năng phân tích – xử lý thông tin, phát triển ý tưởng mới, ra quyết định chính xác để giải quyết vấn đề. Muốn rèn sự chủ động đó, giáo dục hiện đại đang chuyển dần theo hướng khai thác động lực tự học của học trò, tự khám phá và “mổ xẻ” vấn đề theo phương pháp khoa học. Cụ thể, khi giảng dạy, việc quan trọng nhất là giúp học sinh bóc tách kiến thức Toán ra khỏi vỏ bọc rườm rà của đề bài, nhận ra khả năng ứng dụng của các phép tính, quan hệ toán học; từ đó, giải quyết được vấn đề đặt ra.
Thông minh, tư duy và sáng tạo
Từng có trải nghiệm với các đề thi Toán của Hoa Kỳ, Anh, Australia, ông Trương Minh Châu, Giám đốc Đào tạo iSMART Education cho rằng: “Thầy cô chúng ta cũng có thể học hỏi từ các đề thi này để thấy được cách dạy và ra đề thi môn Toán của các đồng nghiệp từ đất nước có nền giáo dục phát triển. Bên cạnh đó, đối với học sinh, việc tham gia các kỳ thi uy tín từ nhỏ cũng là cơ hội để các em học hỏi, cọ xát để tự tin bước ra thế giới, xem các em thích Toán đến nhường nào, năng lực đang ở đâu trên thang đo quốc tế”.

Điều đặc biệt của bài thi Toán của Úc – AMC 2019 là thí sinh sẽ được nhận bảng phân tích kết quả cho thấy điểm mạnh, hạn chế trong kiến thức, tư duy Toán học của thí sinh. Khi nhìn vào bảng điểm chưa đẹp, nhiều phụ huynh dễ có xu hướng cho rằng con kém thông minh, đặc biệt hơn còn nhầm trí thông minh và kỹ năng tư duy là một. Thực tế, không phải trẻ thông minh thì tự khắc tư duy giỏi; ngược lại, trẻ kém thông minh có thể không bao giờ tư duy giỏi; trẻ thông minh không cần kỹ năng tư duy… Tuy nhiên, tiến sĩ Robert Sternberg – chuyên gia trí tuệ con người nổi tiếng thế giới với khái niệm “Trí tuệ thành công” khẳng định: “Chỉ số thông minh (IQ) cao, kết quả học tập tốt hoặc tấm bằng đại học danh giá vẫn chưa đủ. Nếu như bạn không có tư duy sáng tạo thì sẽ rất khó khăn để bạn thành công”.
May mắn hơn trí thông minh thiên bẩm, kỹ năng tư duy có thể học được, thậm chí thành thục nếu kiên trì rèn luyện thông qua các phương pháp khoa học, trong đó Toán học là phương pháp gần gũi và hữu hiệu.
Để học trò từ thông minh đến có kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề và sáng tạo tưởng đơn giản nhưng hóa ra, cần lộ trình và phương pháp khoa học. Trong đó, các đề kiểm tra môn Toán đóng vai trò quan trọng và hiệu quả để rèn luyện, trau dồi cho học sinh.
Nguồn: https://tiengtrungnhuy.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục